Pages

Saturday, June 18, 2011

Trung Quốc có là động lực cho thế giới?

Trong lúc các đại gia cũ đang run rẩy đứng lên từ suy thoái thì Trung Quốc cùng các quốc gia mới nổi khác trở thành niềm hy vọng trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Thành phố Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: BBC

Đây là dự đoán của Andrew Walker, phóng viên kinh tế của BBC, trong loạt phóng sự về sức mạnh mới của châu Á. Ông viết:
Trong khi phải vật lộn với các khoản nợ chính phủ, các nền kinh tế phương Tây sẽ không thể trở thành động lực cho một cuộc bùng nổ về nhu cầu hàng hóa và dịch vụ , như họ từng làm được trong một thập niên trước.
Ngược lại, đà trượt xuống của kinh tế Trung Quốc đang chậm lại, và họ sẽ nhanh chóng tìm lại tốc độ tăng trưởng phi thường. Từ năm 2007 đến 2011, tổng mức tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc bằng của các quốc gia dẫn đầu trong khối G7 cộng lại.
Trung Quốc là thị trường tiêu thị cực kỳ quan trọng cho một số nhà cung cấp, chẳng hạn như than Australia hay đậu nành Brazil. Cần phải nhắc lại rằng Trung Quốc là nhà xuất khẩu lớn và hưởng thặng dư nhiều. Điều đó có nghĩa là trong thương mại quốc tế, họ nhận nhiều hơn là cho. Tuy nhiên tốc độ nhập khẩu của nước này đang tăng nhanh chóng, nhờ đó họ trở thành một thị trường ngày càng quan trọng đối với nhiều nền kinh tế khác.
Nhưng hiện thực này có tồn tại lâu không? Nhiều người hoài nghi.
Tờ Wall Street Journal gần đây tuyên bố: "Vài năm sau khi giá bất động sản đi xuống, bong bóng nhà đất Trung Quốc sẽ xì hơi".
Hệ quả của bong bóng vỡ là rất đau đớn. Hãy xem những gì đã xảy ra ở Mỹ, Ireland, Brazil và Tây Ban Nha, nơi mà việc cấp tín dụng cho ngành nhà đất lỏng lẻo đã dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính như thế nào.
Giới chức Trung Quốc đang ngày càng lo ngại về lạm phát. Họ đã nhiều lần nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng - cách để giảm tăng trưởng tín dụng.
Giáo sư Nouriel Roubini thuộc trường đại học New York, một nhà tiên tri về khủng hoảng tài chính, cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ gặp khó khăn trong tương lai. Ông này nói Trung Quốc đang đối mặt với "một cú hạ cánh khó".
Theo Roubini, kinh tế Trung Quốc quá phụ thuộc vào đầu tư. Đầu tư lớn tạo ra năng lực quá lớn và điều đó không thể kéo dài mãi. Tình trạng đầu tư quá mức sẽ dẫn đến những vấn đề xấu trong tín dụng, khi những người đi vay tiền để xây nhà ở hoặc trung tâm thương mại không đạt được lợi nhuận kỳ vọng
Nhìn xa hơn vào tương lai, có một vài vấn đề khác có thể làm chậm bước nền kinh tế Trung Quốc. Hàng triệu công nhân làm việc trong những ngành kiếm không ra tiền ở những miền nông thôn Trung Quốc đã và đang đổ đến các thành thị để làm công nhân. Nhưng điều đó không thể tiếp diễn mãi.
Giáo sư Barry Eichengreen thuộc đại học California cũng cảnh báo rằng các nền kinh tế phát triển nhanh sẽ luôn bị chậm lại ở một giai đoạn nào đó và hiện tượng này sẽ diễn ra sớm hơn ở các nước có tỷ lệ dân số già cao. Chính sách một con và mục tiêu tăng tuổi thọ của sẽ khiến Trung Quốc lâm vào tình trạng này.
Jim O'Neill thuộc Goldman Sachs, tập đoàn đã đặt ra thuật ngữ BRIC chỉ nhóm các nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, dự đoán rằng kinh tế Trung Quốc sẽ phát triển chậm lại trong năm nay và tỷ lệ tăng trưởng chỉ còn khoảng 8%. Tuy nhiên, ông cho rằng Trung Quốc sẽ "tiếp đất an toàn" nhờ kiểm soát được mức độ lạm phát. O'Neill không đồng tình với quan điểm cho rằng bong bóng nhà đất sẽ vỡ.
Đầu tư cho xuất khẩu sẽ không còn chiếm vị trí thượng phong như hiện nay và trước đây nữa, một khi chi tiêu nội địa tăng lên. Các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ tăng cường bán hàng cho khách hàng nội hoặc cho các nền kinh tế mới nổi khác. Và thị trường Trung Quốc sẽ mở rộng ra nhờ tầng lớp trung lưu của nước này.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, vẫn cần cảnh giác trước nguy cơ nền kinh tế này lại trượt chân.
Anh Ngọc lược dịch

Quan tham Trung Quốc 'nuốt' 120 tỷ USD

Hàng tỷ nhân dân tệ bị tẩu tán ra nước ngoài. Ảnh:AP.

Hàng nghìn quan chức tham nhũng của Trung Quốc đã ăn cắp hơn 120 tỷ USD và chạy trốn sang nước ngoài, chủ yếu là Mỹ, báo cáo do ngân hàng trung ương Trung Quốc vừa cho hay.

Có khoảng 16.000 - 18.000 quan chức và nhân viên của các công ty nhà nước đã rời bỏ Trung Quốc với tiền công quỹ trong khoảng từ giữa những năm 1990 tới năm 2008.
Các quan chức này dùng các tài khoản ngân hàng nước ngoài để tiêu tán số tiền của ngân sách quốc gia, một nghiên cứu do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc công bố trên website trong tuần này. Nhưng báo cáo này sau đó đã được dỡ bỏ.
Theo BBC, bản báo cáo này cho thấy giới chức đã tham ô 800 tỷ nhân dân tệ và chuyển sang các nước Mỹ, Australia, Canada và Hà Lan qua các tài khoản ngân hàng quốc tế, các khoản đầu tư như bất động sản, các bộ sưu tập.
Số tiền bị tham ô được che đậy thông qua các giao dịch kinh doanh, như thành lập công ty cá nhân để nhận các khoản chuyển tiền.
Nghiên cứu còn nói rằng tình trạng tham nhũng ở Trung Quốc tồi tệ đến mức có thể đe dọa sự ổn định kinh tế và chính trị quốc gia.
Song Minh

Philippines tuyên bố không để Trung Quốc bắt nạt

Tổng thống Philippines Bennigto Aquino III hôm qua nhấn mạnh rằng nước ông sẽ không để Trung Quốc bắt nạt trên Biển Đông và yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt xâm phạm các khu vực Manila tuyên bố chủ quyền.

Tổng thống Philippines Bennigto Aquino III. Ảnh: AP.


Manila đưa Bắc Kinh ra Liên Hợp Quốc

Trong cuộc trả lời phỏng vấn AP, ông Aquino cho biết thêm, cuộc thăm dò dầu khí do chính phủ hậu thuẫn trên các vùng Biển Đông mà Philippines tuyên bố chủ quyền cho thấy triển vọng rất tốt. Ông không cho biết chi tiết nhưng khẳng định nước này có quyền khai thác tại các vùng biển của mình bất chấp việc Trung Quốc cũng đòi chủ quyền tại đây.

Trong khi đó, Trung Quốc vẫn ngang nhiên đòi thực thi đường lưỡi bò kiểm soát 80% Biển Đông dù không có bất cứ cơ sở pháp lý nào. Thậm chí Bắc Kinh tuần trước còn đòi các nước láng giềng ở phía nam Biển Đông ngừng thăm dò dầu khí tại đây nếu không có sự cho phép của Trung Quốc.
Phản ứng trước các yêu sách của Bắc Kinh, tổng thống Philippines tuyên bố: "Chúng tôi có cơ sở rất vững chắc để nói rằng 'đừng có xâm phạm vào vùng chủ quyền của chúng tôi' và đó không phải là vùng tranh chấp và cũng không nên trở thành nguyên nhân của sự tranh chấp".
"Chúng tôi sẽ tiếp tục đối thoại, nhưng tôi nghĩ đã là vấn đề nội bộ thì chúng tôi không cần phải xin phép bất cứ ai cả. Chiến lược tổng thể là chúng tôi sẽ không tham gia vào cuộc chạy đua vũ trang với Trung Quốc. Chúng tôi sẽ không làm căng thẳng thêm tình hình nhưng chúng tôi phải bảo vệ quyền lợi của mình", tổng thống Philippines nói thêm.
Trong thời gian vài tháng qua, Philippines đã 6 lần lên tiếng phản đối Trung Quốc xâm phạm khu vực đặc quyền kinh tế 200 hải lý của quốc gia Đông Nam Á này theo Công ước về luật biển của Liên Hợp Quốc. Trong đó Manila cáo buộc tàu hải quân Trung Quốc đã quấy rối tàu thăm dò của Philippines tại khu vực chỉ cách đảo lớn Palawan 130 km, hồi tháng 2.
Trong khi đó, sau mỗi lần xâm phạm Bắc Kinh lại lên tiếng tố ngược Philippines xâm phạm chủ quyền của họ và cho rằng các tàu Trung Quốc chỉ đang thực thi quyền chấp pháp bình thường. Giới phân tích cho rằng đây chỉ là cái cớ để Bắc Kinh biến những vùng không có tranh chấp với các láng giềng trên Biển Đông thành có tranh chấp để nhân cơ hội nhảy vào khai thác dầu khi tại khu vực giàu tiềm năng nhưng nhạy cảm này.
Căng thẳng trên Biển Đông cũng đang có nhân tố mới khi Mỹ ngày càng bộc lộ quan điểm muốn đóng vai trò trong việc giải quyết tranh chấp đa phương tại đây. Washington có hiệp ước về quốc phòng chung với Manila, đồng nghĩa với việc nếu Trung Quốc tấn công Philippines, Mỹ sẽ có nghĩa vụ bảo vệ đồng minh Đông Nam Á. Đại sứ Mỹ tại Manila Harry Thomas tuần trước tuyên bố Washington luôn đứng cạnh Philippines.
Đình Nguyễn

Việt-Mỹ đối thoại an ninh quốc phòng

Việt-Mỹ đối thoại an ninh quốc phòng


Trong cuộc Đối thoại thường niên Chính trị-An ninh-Quốc phòng lần thứ tư diễn ra tại Washington ngày 17/6, Việt Nam và Mỹ cùng kêu gọi tự do hàng hải và phản đối việc sử dụng vũ lực tại Biển Đông.

Đoàn Việt Nam tham gia đối thoại do Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu, trong khi đoàn Mỹ do Trợ lý Ngoại trưởng về các vấn đề chính trị-quân sự Andrew J. Shapiro dẫn đầu.


Trong cuộc đối thoại, hai bên cùng nhất trí rằng "duy trì hòa bình, ổn định, an toàn và tự do hàng hải tại Biển Đông là những mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế". "Tất cả những tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông nên được giải quyết thông qua một quá trình ngoại giao và hợp tác, mà không cần sử dụng tới vũ lực", bản thông cáo báo chí chung được đưa ra sau cuộc đối thoại có đoạn.
Tại cuộc đối thoại, các quan chức Việt Nam và Mỹ cũng thảo luận các biện pháp tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, chống khủng bố, phòng chống ma túy, tìm kiếm binh lính Mỹ và bộ đội Việt Nam mất tích trong chiến tranh, giải quyết vấn đề chất độc da cam/dioxin, trợ giúp nhân đạo và cứu trợ thiên tai cũng như các lĩnh vực hợp tác quốc phòng và an ninh khác.

Đặc biệt, hai bên đồng thời thảo luận việc nâng tầm quan hệ song phương hướng tới quan hệ đối tác chiến lược. Đây là chủ đề đã được tái khẳng định trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tới Hà Nội hồi tháng 10/2010. Việt Nam và Mỹ khẳng định rằng hợp tác giữa hai bên trong giải quyết những thách thức an ninh quốc tế và khu vực là sự phát triển tự nhiên của mối quan hệ song phương đầy đủ trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, giúp tạo nền tảng vững chắc cho sự thịnh vượng kinh tế của hai nước.
Cuộc đối thoại Chính trị-An ninh-Quốc phòng Việt-Mỹ lần thứ năm sẽ diễn ra tại Hà Nội vào năm 2012.